Những Vấn Đề Chung Về Logistics Phần IV
Phân Biệt logistics khác vận tải như thế nào ? Hai khái niệm này có phải là một ?
Logistics là cả một quá trình mà vận tải chỉ là một trong quá trình đó. Vận tải là thành phần quan trọng , nhưng không phải là tất cả quá trình logistics.
Thống kê trên thế giới về mặt chi phí , chi phai cho vận tải chiếm khoảng 60% chi phí chung của logistics.
Ngoài vận tải ,logistics còn có những hoạt động khác nhau như kho bãi, bốc xếp , giao nhận, giám định , bảo hiểm đóng gói..vv..
Mặt khác không chỉ có yếu tố dịch vụ logistics mang một ý nghĩa bao trùm lớn hơn là việc tính toán , lập kế hoạch để hàng hóa di chuyển từ điểm đầu tới điểm cuối một cách hiệu quả , tiết kiệm chi phí nhất , thời gian nhanh nhất , góp phần vào nâng cao năng suất ,doanh thu cho doanh nghiệp.
Do đó logistics và vận tải không phải là một.
2. Để logistics phát triển cần những yếu tố nào
Để logistics phát triển cần có sự tham gia của một số yếu tố sau :
a, Chính sách , pháp luật : Giống như cá bơi trong nước, chim bay trên trời , một lĩnh vực muốn phát triển thì cần có môi trường thuận lợi . Khung thể chế bao gồm những chính sách tạo điều kiện cho logistics và các ngành liên quan có thể phát triển mạnh mẽ là rất quan trọng . Bên cạnh đó , cần có các văn bản pháp luật bao quát đủ các khía cạnh , là cơ sở để phân giải khi có tranh chấp và tạo hành lang để các doanh nghiệp phát triển đúng hướng.
b, Hệ thống cơ sở hạ tầng logistics bao gồm cơ sở hạ tầng cứng như đường sá , sân bay bến cảng, nhà ga tàu bè, xe tải cần cẩu , kho bãi , giàn nâng… và cơ sở hạ tầng mềm như con người ( đội ngũ quản lý, đội ngũ nhân viên ) , thông tin , công nghệ.
c, Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ : Đây là các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp khác bao gồm các hãng tàu biển, hãng hàng không , doanh nghiệp vận tải đường sắt đường bộ ,doanh nghiệp giao nhận, đại lý hải quan , giám định bảo hiểm .
d, Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ : Đây là các doanh nghiệp sản xuất thương mại, có nhu cầu đưa hàng hóa từ một điểm đến một điểm khác và trong quá trình đó sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì đây là nhóm doanh nghiệp có lượng rất lớn, rất đa dạng về phạm vi hoạt động.
3. Chuỗi cung ứng là gì ?
Chuỗi cung ứng là chuỗi các hoạt động liên quan đến một doanh nghiệp, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu dùng.
Như tên gọi của nó vì là chuỗi nên chuỗi bao gồm nhiều hoạt động tương đối độc lập , nhưng đều tác đọng đến một đối tượng chung là hàng hóa .
Ví dụ : Chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp cafe bắt đầu từ việc thu gom cafe từ nông trường của mình hoặc từ các hộ nông dân, chở về các trạm, từ các trạm về kho , từ các kho về nhà máy tại Daklak . Tại nhà máy cafe được phơi sấy , rang say, tẩm ướp , trộn với các loại cafe khác để ra loại cafe có hương vị đặc thù . Sau đó , bột cafe đã được chế biến có thể được chuyển tiếp bằng xe oto tải đến một nhà máy khác ở Đồng Nai để đóng hộp dán nhãn . Một số hộp cafe được chuyển sang phân xưởng khác , tiếp tục trở thành nguyên liệu để chế biến cafe hòa tan rồi số cafe hòa tan này cũng được đóng gói. Từ nhà máy ở Đồng Nai các thùng hộp cafe được chế biến này được đưa ra cảng Cát Lái hoặc cảng Cái Mép để đưa xuống tàu thuy, chở đến cảng Antwerp ở Châu Âu . Từ cảng này hàng được bốc xuống theo các toa tầu hỏa vận chuyển vào nước Đức . Cafe Việt Nam tập kết tại một tổng kho nằm gần Frankfut , sau đó chuyển đến các công ty bán lẻ . Đến lượt mình , công ty bán lẻ phân phối cafe đến các siêu thị và cửa hàng để bán cho người nước ngoài. .
4, Quản lý chuỗi cung ứng cần lưu ý những gì ?
Do chuỗi cung ứng là một quá trình dài trải qua nhiều công đoạn nhiều địa điểm và mất nhiều thời gian nên kiểm soát được các công đoạn như vậy là điều rất quan trọng để góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp .
Quản lý chuỗi cung ứng là việc quản lý quá trình di chuyển của hàng hóa qua các công đoạn trong chuỗi cung ứng. Việc quản lý bao gồm kiểm soát theo dõi hợp lý hóa cải thiện luồng di chuyển của hàng hóa nói chung cũng như ở từng công đoạn cụ thể. Việc phối hợp và chuyển giao từ công đoạn này sang công đoạn khác một cách nhịp nhàng cũng rất quan trọng .
Quản lý chuỗi cung ứng thể hiện sự can thiệp mang tính chủ động của nhà quản lý đối với dòng hàng nhằm tối ưu hóa giá trị của chuỗi cung ứng . Kết quả của quá trình này là tìm ra và cắt giảm chi phí bất hợp lý đưa hàng hóa đến đích theo con đường hiệu quả và kinh tế nhất gia tăng thêm giá trị cho hàng hóa ở mỗi công đoạn nếu có thể .
Nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa quan tâm đến quản lý chuỗi cung ứng, do vậy làm gia tăng chi phí , giảm giá trị sản phẩm, thất thoát hàng hóa, lượng hàng tồn kho nhiều.
5, Phân biệt chuỗ cung ứng và logistics ở những điểm gì ?
Trong một số trường hợp , logistics và chuỗi cung ứng được dùng tương đương thay thế lẫn nhau. Nhưng thực tế hai khái niệm này có những điểm khác biệt .
Chuỗi cung ứng thường dùng để chỉ một chuỗi các hoạt động có liên hệ nối tiếp với nhau trong quá trình hình thành nên một sản phẩm và đưa sản phẩm ấy đến người dùng. Trong khi logistics nhấn mạnh đến việc vận hành tác động vào chuỗi hoạt động để tạo nên hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp.
Ở một góc độ khác chuỗi cung ứng nói lên sự quan tâm của bản thân doanh nghiệp sản xuất thương mại đối với quá trình vận động của hàng hóa trong nội bộ doanh nghiệp của mình. Còn logistics được dùng để chỉ dịch vụ do các doanh nghiệp chuyên nghiệp cung cấp . Với nghĩa này, logistics là một ngành dịch vụ hay ngành kinh doanh.
Có thể hình dung chuỗi cung ứng như dây chuyền sản xuất bánh quy , còn logistics là quá trình đưa nguyên liệu bột mỳ, đường sữa, bơ vào nhào trộn, đổ ra khuôn, đưa qua lò nướng và chuyển vào đóng gói.
Nguồn : Hỏi đáp về Logistics ( NXB Công Thương )